Bác sĩ CKII Phan Thanh Tâm- Giám đốc Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Tây Ninh cho biết, bệnh viện vừa thực hiện thành công kỹ thuật đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn cho bệnh nhân nữ đầu tiên. Ca phẫu thuật kéo dài hơn 60 phút vào chiều 9.8.2024, tại Phòng Lab-DSA Khoa Đơn nguyên Tim mạch can thiệp (Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (ICU) BVĐK tỉnh). Ê-kíp phẫu thuật do bác sĩ CKII Kiều Ngọc Dũng- Trưởng Khoa Điều trị rối loạn nhịp, Bệnh viện Chợ Rẫy TP. Hồ Chí Minh trực tiếp hỗ trợ và chuyển giao kỹ thuật.
Đây là lần đầu tiên BVĐK tỉnh Tây Ninh thực hiện gói kỹ thuật này. Bác sĩ Lâm Duy Tân- Trưởng Khoa Hồi sức tích cực- Chống độc (ICU) BVĐK tỉnh cho biết, bệnh nhân là bà Huỳnh Ngọc Phượng (56 tuổi, ngụ thị trấn Tân Châu, huyện Tân Châu). Vào ngày 5.8.2024, bệnh nhân được gia đình đưa cấp cứu trong tình trạng mệt, khó thở, tăng huyết áp. Qua theo dõi, bác sĩ phát hiện có tình trạng tim ngừng đập từng lúc, bệnh nhân được chẩn đoán Block nhĩ thất độ III, nhịp thoát bộ nối.
Sau khi làm các xét nghiệm cấp cứu cần thiết, bệnh nhân nhanh chóng được chuyển đến phòng Lab-DSA để đặt máy tạo nhịp tim tạm thời. “Đây là tình trạng nguy hiểm, có nguy cơ ngưng tim bất kỳ lúc nào. Sau hội chẩn, ê-kíp chúng tôi đã tiến hành đặt máy tạo nhịp tim tạm thời để cấp cứu cho bệnh nhân, đồng thời liên hệ ngay với Khoa Điều trị rối loạn nhịp, Bệnh viện Chợ Rẫy hỗ trợ đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn cho bệnh nhân”- bác sĩ Tân cho biết.
Ca phẫu thuật kéo dài hơn 60 phút để đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn cho bệnh nhân.
Bác sĩ CKII Kiều Ngọc Dũng, người trực tiếp hỗ trợ và chuyển giao kỹ thuật này cho các bác sĩ Khoa Đơn nguyên Tim mạch can thiệp BVĐK tỉnh cho biết, ca phẫu thuật diễn ra thành công, các bác sĩ của BVĐK có bước chuẩn bị và chăm sóc bệnh nhân rất tốt. Mọi hoạt động trong quá trình phẫu thuật diễn ra nhanh và thuận lợi.
“Rối loạn nhịp tim chậm là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây đột tử, đột quỵ nghiêm trọng. Đây là kỹ thuật chuyên sâu của Bệnh viện Chợ Rẫy. Trung bình mỗi năm, bệnh viện thực hiện phẫu thuật cho trên 2.800 ca. Máy cho phép tạo nhịp tim cho người bệnh trong thời gian 10 năm”- bác sĩ CKII Kiều Ngọc Dũng cho hay.
Máy tạo nhịp tim hiện có giá trên 90 triệu đồng. Tuy nhiên, chi phí phẫu thuật và máy cho bệnh nhân được Bảo hiểm Y tế chi trả một phần.
Ê-kíp bác sĩ vui mừng sau thành công ca phẫu thuật, chuyển giao kỹ thuật cho bệnh nhân đầu tiên của tỉnh Tây Ninh.
Kỹ thuật đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn là một kỹ thuật trong Đề án bệnh viện vệ tinh chuyên ngành tim mạch can thiệp được Bệnh viện Chợ Rẫy chuyển giao cho BVĐK tỉnh. Việc thực hiện thành công kỹ thuật đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn đã mở ra cơ hội mới cho BVĐK tỉnh được tiếp cận các điều trị rối loạn nhịp bằng các kỹ thuật cao. Bên cạnh đó, bệnh nhân trong tỉnh và khu vực lân cận sẽ dễ dàng tiếp cận với kỹ thuật cao trong y khoa mà không phải lên tuyến trên, giảm chi phí đi lại và điều trị.
Theo Báo Tây Ninh online
Tác giả: qu?n tr?
Ý kiến bạn đọc