Bệnh nhân thứ nhất tên A.H.D (19 tuổi), ngụ ấp Trường Phú, xã Trường Đông, thị xã Hoà Thành. Trước đó, ngày 10.2.2024, bệnh nhân bị chó cắn ở lòng bàn tay phải tại nơi làm thuê. Đến ngày 17.5, bệnh nhân khởi bệnh có các triệu chứng sợ nước, mỗi khi uống nước cơ thể bị co giật và khó thở.
Khoảng 9 giờ ngày 18.5, người nhà đưa bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh khám, được chẩn đoán bệnh dại, sau đó chuyển đến Bệnh viện Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh. 16 giờ cùng ngày, người nhà xin đưa bệnh nhân về; khoảng 0 giờ ngày 19.5, bệnh nhân tử vong.
Trường hợp thứ hai là chị M.N.H (50 tuổi), ngụ ấp Trường Đức, xã Trường Đông, thị xã Hoà Thành.
Theo điều tra dịch tễ, khoảng tháng 1.2024 (không nhớ rõ), chị H bị chó nhà cắn trên mặt trái (giống chó Nhật nhỏ, nhà nuôi đã lâu), sau đó đến Bệnh viện Đa khoa Hồng Hưng may 4 mũi nơi vết cắn. Khi đến bệnh viện may vết thương, bệnh nhân khai bị té, không tiêm ngừa dại sau đó và không cho gia đình biết bản thân bị chó cắn.
Ngày 20.5, bệnh nhân có các triệu chứng nôn ói, khó thở, lạnh, đến Bệnh viện Đa khoa Hồng Hưng khám và có làm các xét nghiệm máu thông thường, siêu âm tổng quát sau đó về nhà.
Khoảng 3 giờ sáng ngày 21.5, người nhà đưa chị H đến Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh cấp cứu với các dấu hiệu sợ gió, sợ nước, lạnh, nôn ói nhiều. Sau đó, bệnh nhân được chuyển viện đến Bệnh viện Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh. 8 giờ sáng cùng ngày, người nhà xin xuất viện.
15 giờ ngày 21.5, kết quả xét nghiệm cho biết bệnh nhân H dương tính với virus dại; 22 giờ cùng ngày thì tử vong.
Tính từ đầu năm 2024 đến nay, Tây Ninh đã có 3 trường hợp tử vong do bệnh dại.
Để chủ động phòng, chống bệnh dại, ngành Y tế khuyến cáo người dân phải tiêm phòng cho chó, mèo nuôi đầy đủ và nhắc lại hằng năm theo khuyến cáo của ngành Thú y; nuôi chó phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm; không nên đùa nghịch, chọc phá các con vật nuôi.
Trong trường hợp không may bị chó, mèo cắn, cần nhanh chóng rửa vết thương dưới vòi nước chảy với xà phòng liên tục 15 phút; rửa sạch vết thương với cồn 70%, cồn iod hoặc povidone-iodine (nếu có), hạn chế làm giập vết thương và không băng kín vết thương.
Sau các bước sơ cứu, người bị chó, mèo cắn cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời; chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa bệnh dại.
Người bị chó, mèo cắn tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại.
Đình Tiến
Tác giả: qu?n tr?
Ý kiến bạn đọc