Bước sang năm 2013, các hoạt động của Dự án “Phòng chống dịch cúm gia cầm, cúm ở người và dự phòng đại dịch cúm ở Việt Nam” (gọi tắt là VAHIP) có nhiều hoạt động nổi bật và thu được một số kết quả đáng khích lệ.
Các hoạt động truyền thông về phòng chống cúm và bệnh truyền nhiễm mới nổi tiếp tục được chú trọng thực hiện tại các cơ sở y tế với 124 cuộc cho 5.793 lượt cán bộ y tế được tuyên truyền nhằm nâng cao kiến thức và kỹ năng truyền thông trực tiếp về phòng chống cúm và các bệnh truyền nhiễm mới nổi cho hầu hết cán bộ y tế làm công tác dự phòng và điều trị ở các tuyến. Bên cạnh đó, công tác truyền thông cho cán bộ chính quyền, các ban ngành, đoàn thể xã cũng được triển khai mạnh mẽ tại tất cả 41 xã của 4 huyện điểm Gò Dầu, Trảng Bàng, Dương Minh Châu và Tân Biên với 122 cuộc truyền thông nhóm nhỏ cho 2.440 cán bộ tham dự. Đặc biệt, hoạt động truyền thông còn quan tâm đến đồng bào dân tộc thiểu số, trong năm đã tổ chức 1 Hội thi đố em về Phòng chống cúm A(H5N1) và một số bệnh truyền nhiễm mới nổi tại trường phổ thông dân tộc nội trú cho hơn 500 học sinh và giáo viên tham dự, trường này hiện có 12 dân tộc khác nhau đang theo học. Song song đó Ban quản lý dự án VAHIP tỉnh đã lắp đặt và trao tặng cho nhà trường 5 bồn rửa tay nhằm giáo dục hướng dẫn và tạo điều kiện cho các em thực hành tốt rửa tay để phòng chống dịch bệnh. Ngoài ra, hoạt động truyền thông cho đồng bào dân tộc tại các huyện có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống như Tân Châu, Tân Biên, Châu Thành, Dương Minh Châu, Hòa Thành và Thị Xã cũng đã thực hiện được 14 cuộc tuyên truyền cho 700 người dân tộc chủ yếu là Khmer, Chăm và Tà-Mun tham dự.
Cùng với hoạt động truyền thông tiến hành rộng khắp, công tác đào tạo tập huấn cũng được đẩy mạnh, với các lớp đào tạo, tập huấn chuyên môn dành cho cán bộ y tế như đào tạo về xét nghiệm, đào tạo tin học văn phòng, tập huấn về kỹ năng giám sát dịch, xử lý ổ dịch, sử dụng phương tiện phòng hộ, nâng cao năng lực giám sát bệnh truyền nhiễm, kỹ thuật lấy mẫu, bảo quản và vận chuyển mẫu bệnh phẩm, kỹ năng lập kế hoạch, quản lý và giám sát tuyến huyện, kỹ năng lập kế hoạch, theo dõi giám sát hoạt động tuyến xã, bảo quản máy móc móc thiết bị,…tổng cộng có 13 lớp với 434 cán bộ y tế tham dự. Ngoài ra, Ban quản lý dự án VAHIP tỉnh còn tổ chức các lớp tập huấn truyền thông thay đổi hành vi và truyền thông nguy cơ về phòng chống cúm gia cầm cho không chỉ dành cho cán bộ y tế mà còn tiến hành tập huấn cho cán bộ thú y các tuyến, tổng cộng có 14 lớp 527 học viên, trong đó có 103 học viên là cán bộ thú y.
Một điều đáng mừng là Dự án chú trọng đầu tư rất nhiều các trang thiết bị, máy móc đặc biệt là các máy phục vụ công tác chuyên môn cho tuyến huyện, trong đó chủ yếu đầu tư cho huyện điểm Gò Dầu, Trảng Bàng, Dương Minh Châu và Tân Biên để nâng cao năng lực y tế dự phòng tuyến huyện. Những máy có giá trị hàng trăm triệu đồng như: máy phân tích huyết học tự động, máy phân tích sinh hóa tự động, máy ly tâm, máy siêu âm, nồi hấp tiệt trùng, tủ an toàn sinh học cấp 2, máy đo bụi hô hấp …, trang bị đầy đủ các phương tiện cho các đội cơ động chống dịch tỉnh, huyện gồm máy phun hóa chất, huyết áp, ống nghe, nhiệt kế, trang phục phòng hộ, hóa chất. Bên cạnh đó, các đơn vị còn được nhận một số phương tiện phục vụ cho giám sát, xử lý dịch, các trang thiết bị phục vụ cho công tác truyền thông về phòng chống dịch,… với tổng kinh phí mua sắm trang thiết bị trên 7 tỷ đồng.
Ngoài ra, để chuẩn bị tốt cho việc tiếp nhận và điều trị bệnh nhân cúm, tỉnh còn tiến hành sửa chữa, nâng cấp khu cách ly tại khoa nhiễm bệnh viện đa khoa tỉnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế, đồng thời Ban quản lý dự án VAHIP Trung ương còn hỗ trợ nhiều trang thiết bị điều trị bệnh nhân cúm như x-quang di động, máy thở, monitor theo dõi bệnh nhân, máy tạo và nén oxy, máy truyền dịch, bơm tiêm điện cho bệnh viện đa khoa tỉnh, bệnh viện lao và Bệnh phổi và TTYT 9 huyện, thị. Trong năm các đơn vị còn được trang bị máy tính, máy in, máy fax đa năng, điện thoại và thực hiện kết nối, duy trì internet để tiến hành việc nhập liệu phần mềm giám sát bệnh truyền nhiễm được tốt hơn, hơn nữa 2 huyện Gò Dầu và Trảng Bàng còn được cấp 2 xe ô tô chống dịch để thực hiện nhiệm vụ vận chuyển mẫu. Tổng kinh phí của Trung ương dùng để mua sắm trang thiết bị cho tỉnh trên 6 tỷ đồng.
Đáng quan tâm hơn nữa là Dự án VAHIP là sự kết hợp của hai ngành Y tế và Nông nghiệp với phương châm “một sức khỏe” nhằm thực hiện mục tiêu giảm nguy cơ lây nhiễm cúm trên gia cầm và trên người bằng cách khống chế dịch triệt để trong đàn gia cầm; phát hiện sớm và ứng phó với các ca lây nhiễm cúm trên gia cầm và trên người, chuẩn bị sẵn sàng trong trường hợp đại dịch xảy ra. Chính vì thế hai ngành Y tế và Nông nghiệp luôn có sự phối hợp ngày càng chặt chẽ và nhịp nhàng hơn trong các hầu hết các hoạt động, từ chia sẻ thông tin, họp giao ban, tuyên truyền, tập huấn, hội thảo phòng chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người đến hoạt động diễn tập. Điển hình nhất là 2 cuộc diễn tập đã được thực hiện tại 2 huyện Trảng Bàng và Dương Minh Châu với sự tham gia của trên 400 người, trong đó lực lượng nòng cốt vẫn là cán bộ y tế và thú y dưới sự chỉ đạo điều hành của chính quyền và sự ủng hộ tích cực của ban ngành, đoàn thể từ tỉnh đến huyện, xã. Cuộc diễn tập đã được thực hiện thành công góp phần vào việc nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành, phối hợp liên ngành của Ban chỉ đạo phòng chống dịch của huyện sẵn sàng ứng phó với tình huống xảy ra đại dịch cúm A (H5N1) trên gia cầm và trên người.
Trong năm, dự án còn tài trợ cho đoàn cán bộ (20 người) tham gia học tập, trao đổi kinh nghiệm tại Trung tâm Y tế huyện Tân Hồng và Tháp Mười tỉnh Đồng Tháp, tham quan hoạt động diễn tập phòng chống cúm tại cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp, huyện Mộc Hóa với quy mô lớn và xem triển lãm tranh tuyên truyền từ hội thi tại các trường trung học cơ sở tỉnh Long An.
Mặc dù 3 tháng đầu năm 2013 dịch cúm gia cầm đã liên tiếp xảy ra 4 ổ dịch tại 6 hộ chăn nuôi gia cầm ở 4 xã: Tiên Thuận, Lợi Thuận, Long Giang thuộc Bến Cầu và xã Bình Minh thuộc Thị xã. Tuy nhiên, kể từ ngày 06/3/2013 đến nay dịch đã được khống chế, không có trường hợp phát sinh bệnh mới. Đồng thời cũng không ghi nhận trường hợp dương tính với cúm A(H5N1) ở người trên địa bàn tỉnh.
Năm 2013, dự án VAHIP đã đầu tư kinh phí cho tỉnh trên 11 tỷ đồng để triển khai các hoạt động và mua sắm trang thiết bị. Dự án đã mang lại hiệu quả hết sức thiết thực góp phần nâng cao vai trò chỉ đạo và sự quan tâm của chính quyền trong công tác phòng chống dịch tại địa phương, tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa y tế và nông nghiệp, tăng cường năng lực hệ thống giám sát cảnh báo sớm, phát hiện dịch bệnh kịp thời để chủ động ứng phó khi có dịch xảy ra. Đặc biệt nâng cao năng lực y tế dự phòng tuyến huyện về trang thiết bị, năng lực chuyên môn đáp ứng hiệu quả khả năng pháp hiện sớm và ứng phó dịch bệnh đặc biệt là cúm A(H5N1) và các bệnh truyền nhiễm mới nổi. Công tác truyền thông cả chiều rộng lẫn chiều sâu đã góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng, thay đổi nhận thức cho mọi người dân thực hiện hành vi đúng trong công tác phòng chống dịch bệnh. Có thể nói, công tác phòng chống dịch bệnh đặc biệt là cúm A(H5N1) một năm khởi sắc với nhiều hoạt động hiệu quả.
Đến tháng 6/2014 dự án VAHIP sẽ kết thúc, điều chúng ta mong đợi là năng lực chuyên môn của cán bộ vẫn tiếp tục duy trì, công tác phối kết hợp giữa y tế và thú y ngày càng chặt chẽ, các trang thiết bị máy móc được cấp tiếp tục sử dụng đúng mục đích và hiệu quả, hơn thế nữa là ý thức về phòng chống dịch bệnh của chính quyền, cán bộ ban ngành, cán bộ y tế và cả cộng đồng tiếp tục được nâng cao. Có như thế thì tính bền vững và mục đích đầu tư của dự án mới đạt được.
TMT
Ý kiến bạn đọc