Trước đó, tại Bệnh viện Nhiệt đới TW cũng đã có 2 ca và Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) có 1 ca tử vong do cúm A/H1N1...
Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới TW cho biết, bệnh viện thường xuyên tiếp nhận các ca dương tính với H1N1, tuy nhiên, chủ yếu ở thể nhẹ, một vài trường hợp suy hô hấp phải thở máy.
Báo cáo gần đây của Viện Vệ sinh dịch tễ TW cũng cho thấy, có đến 50% các ca bệnh cúm là nhiễm virut H1N1, nhiễm cúm H3N2 chiếm 40%, trong khi đó, virut cúm B lại giảm mạnh, chỉ còn 10%, có lúc hầu như biến mất. Trong khi đó, năm 2012, cúm B và cúm H3N2 chiếm chủ yếu các ca cúm mùa. “Đây là quy luật tất yếu của cúm mùa, khi cúm này giảm thì cúm kia lại tăng. Người dân không nên hoang mang” - ông Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW cho biết. Cũng theo ông Dương, không chỉ virut H1N1 có thể gây nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính nặng, đe dọa tính mạng người bệnh mà cả cúm B, cúm H3N2 đều có thể gây tình trạng bệnh nặng.
Trước tình hình lây lan của cúm A/H1N1, Trung tâm YTDP tỉnh Cà Mau họp khẩn cấp với các bệnh viện, trung tâm y tế các huyện, thành phố để bàn kế hoạch phòng chống bệnh cúm H1N1 khi tỉnh này có 3 ca dương tính với virut cúm này. Đó là ông Lê Hoàng Bé - Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Cà Mau; chị Trần Thị Mùa (30 tuổi, ở thị trấn Cái Đôi Vàm của huyện Phú Tân) và ông Lương Văn Đua (67 tuổi, ở xã Nguyễn Phích, huyện U Minh). Theo ngành y tế Cà Mau, trước khi phát bệnh, ông Bé đi công tác Hà Nội. Hơn 10 ngày trước, ông về Cà Mau rồi vào Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe Tỉnh ủy khám với triệu chứng sốt. Sau đó, Giám đốc Sở Nội vụ được chuyển đến BVĐK tỉnh Cà Mau điều trị nhưng diễn biến bệnh xấu thêm. Sáng 26/6, bệnh nhân sốt cao, khó thở nên được chuyển lên Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM). Nơi đây lấy mẫu gửi xét nghiệm, cho kết quả dương tính với virut cúm A/H1N1. Còn chị Mùa mới phát bệnh cách nay vài ngày. Chị tự mua thuốc về uống nhưng không hết sốt mà cứ ho kéo dài nên gia đình đưa lên BVĐK huyện Cái Nước điều trị. Vừa lấy mẫu gửi xét nghiệm, bệnh viện đã cho bệnh nhân uống ngay thuốc trị cúm A và thực hiện cách ly để phòng lây nhiễm. Riêng trường hợp ông Đua, sau hơn 10 ngày điều trị đã khỏe mạnh trở lại, chuẩn bị xuất viện. BS. Nguyễn Thanh Dân - Giám đốc Trung tâm YTDP tỉnh Cà Mau cho biết, ngoài việc tuyên truyền ý thức phòng chống bệnh để bà con sớm đến cơ sở y tế khi có triệu chứng nghi cúm, chủ trương của ngành là cho bệnh nhân uống thuốc theo phác đồ điều trị bệnh cúm A/H1N1 khi vừa đến viện chứ không chờ đến khi có kết quả xét nghiệm.
Tại Bến Tre, Giám đốc Sở Y tế Ngô Văn Tán cho biết, đã chuẩn bị cơ số thuốc để sẵn sàng cho bệnh nhân sử dụng khi có dịch bệnh xảy ra; tuyên tuyền, phối hợp với đoàn thể địa phương giải thích về cơ chế lây bệnh và hướng dẫn cách phòng chống dịch bệnh. Theo ông Tán, cúm A/H1N1 tại Bến Tre được ngành y tế kiểm soát tốt. Tuy nhiên, các địa phương không được lơ là. Hiện ngành y tế đang rất cảnh giác trước dịch bệnh thật cao độ để hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong.
Theo báo Sức khỏe và Đời sống
Ý kiến bạn đọc