Hiện nay, ở nước ta tình hình dịch tễ lao còn diễn biến phức tạp với số người mắc bệnh lao cao nhất trên toàn cầu và gánh nặng bệnh lao đa kháng thuốc cao nhất thế giới. Mỗi năm Việt Nam có khoảng 180.000 bệnh nhân lao, trong đó có gần 6.000 bệnh nhân bị lao kháng đa thuốc, có khoảng 17.000 ca tử vong mỗi năm.
Trong khi đó, Tây Ninh là tỉnh có mật độ bệnh lao khá cao, mỗi năm có khoảng 2.000 người mắc bệnh lao mới, trong đó có gần 100 bệnh nhân đồng nhiễm lao-HIV và gần 50 bệnh nhân lao đa kháng thuốc.
Năm 2015 toàn tỉnh đã khám và xét nghiệm cho 14.286 trường hợp nghi lao và thu nhận điều trị 1.983 trường hợp, tăng hơn 4% so với năm trước. Trong đó, bệnh nhân lao mới chiếm tỷ lệ trên 57% và tỷ lệ lưu hành bệnh lao trong cộng đồng vẫn còn ở mức cao, trong đó tỷ lệ lao mới chiếm 99/100.000 dân, lao các thể chiếm 173/100.000 dân. Bên cạnh đó, vấn đề lao kháng thuốc, lao-HIV, bệnh lao ở các khu, cụm công nghiệp và nhiều vấn đề bất cập về y tế khác đang ảnh hưởng rất lớn đến chương trình chống lao ở địa phương.
Trong những năm qua, Tây Ninh đã duy trì hoạt động của mạng lưới chống lao trong toàn tỉnh, lồng ghép tốt trong mạng lưới y tế cơ sở để thực hiện chiến lược hoá trị liệu ngắn ngày có kiểm soát trong điều trị, hạn chế lây lan trong cộng đồng. Nhờ đó, công tác phòng chống lao đã đạt được một số kết quả đáng mừng, với tỷ lệ điều trị khỏi bệnh đạt trên 95%, góp phần ngăn chặn bệnh lao, bảo vệ tốt sức khỏe cộng đồng.
Bệnh lao, nếu được phát hiện sớm, tuân thủ điều trị thì khả năng chữa khỏi bệnh đạt tỷ lệ rất cao, sớm cắt đứt nguồn lây trong cộng đồng.
Hiện nay, thách thức khách quan đối với Chương trình Chống lao quốc gia là với địa bàn rộng, dân cư đông, môi trường ô nhiễm và đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, là các yếu tố khiến tỷ lệ mắc bệnh lao và các bệnh phổi gia tăng trong tỉnh. Bên cạnh đó, người dân- nhất là người dân vùng sâu vùng xa- chưa tự giác đi khám, xét nghiệm khi có dấu hiệu mắc bệnh, để phát hiện và điều trị bệnh sớm.
Ngày Thế giới Phòng chống lao 24.3 năm nay, Tổ chức Y tế Thế giới kêu gọi người dân trên toàn thế giới đoàn kết, cùng chung sức thanh toán bệnh lao qua những hoạt động: nâng cao nhận thức về bệnh lao, đẩy mạnh phong trào vận động xã hội đến với mỗi cá nhân, không phân biệt quốc gia, tuổi tác, giới tính hay nghề nghiệp - tất cả cùng hợp lực để chấm dứt bệnh lao; các cấp chính quyền, các ngành chức năng quan tâm, chung tay hành động để chấm dứt bệnh lao.
Để hoạt động phòng chống lao đạt hiệu quả cao hơn, trong thời gian qua, Chương trình phòng chống lao ở tỉnh ta còn triển khai các hoạt động phòng chống các bệnh về phổi như hen suyễn, viêm phổi tắc nghẽn mãn tính và các bệnh phổi khác.
Ngành Y tế cũng đã đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, nhằm triển khai các kỹ thuật lâm sàng, cận lâm sàng và nuôi cấy vi khuẩn để làm kháng sinh đồ phục vụ cho công tác điều trị.
Tuy nhiên, để khống chế số bệnh nhân mắc bệnh lao, khống chế tỷ lệ bệnh nhân lao kháng đa thuốc và tiến tới thanh toán bệnh lao ở Việt Nam vào năm 2030 như chiến lược quốc gia phòng chống lao đã đề ra, chương trình phòng chống lao ở Tây Ninh cần có sự cam kết chính trị mạnh mẽ từ cấp chính quyền, sự hợp tác chặt chẽ của các ban ngành, đoàn thể các cấp cũng như toàn xã hội, để cùng đoàn kết, chia sẻ trách nhiệm, đầu tư nguồn lực, tiếp tục kiện toàn mạng lưới phòng chống Lao và huy động cả cộng đồng cùng tham gia phòng chống Lao.
Trước đó, ngày 9.3, UBND tỉnh Tây Ninh cũng đã có công văn chỉ đạo việc tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; trong đó nhấn mạnh các cấp chính quyền cần xem công tác phòng chống lao là một trong các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương.
UBND tỉnh yêu cầu các ngành, các cấp, các tổ chức xã hội và toàn thể nhân dân tích cực tham gia các hoạt động phòng chống lao, nhất là công tác tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức của người dân về bệnh lao và cách phòng chống; cảm thông và tạo mọi điều kiện để giúp đỡ những bệnh nhân lao thấy được quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong cuộc chiến chống lại bệnh lao; tiếp tục đẩy mạnh xã hội hoá, huy động nguồn lực cộng đồng vào công tác phòng chống lao, đoàn kết, chung sức để loại trừ bệnh lao vào năm 2030.
Theo TNOL
Ý kiến bạn đọc