Theo CDC Tây Ninh, kết quả theo dõi các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhi H.N.K (5 tuổi, ngụ phường Long Hoa, thị xã Hoà Thành) tại nhà chưa ghi nhận bất thường; 29 trường hợp tiếp xúc gần (gồm: 27 bé học chung lớp và 2 cô bảo mẫu tại trường mầm non) sức khoẻ ổn định.
Tại Bệnh viện Đa khoa Hồng Hưng, qua theo dõi sức khoẻ và sử dụng thuốc điều trị dự phòng, tình trạng của 18 trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhi (gồm 3 nhân viên y tế, 15 bệnh nhân) ổn định, không phát hiện triệu chứng bất thường.
Tất cả các trường hợp tiếp xúc gần đều được sử dụng thuốc kháng sinh Ciprofloxacin (cho người lớn) và Azithromycin (cho trẻ em) để dự phòng sớm trong vòng 24 giờ sau khi có chẩn đoán xác định ca bệnh não mô cầu từ Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố Hồ Chí Minh.
Trước đó (ngày 30.3), Tây Ninh ghi nhận một trường hợp nhiễm vi khuẩn não mô cầu đầu tiên. Bệnh nhi được chẩn đoán sốt nhiễm trùng, theo dõi nhiễm trùng huyết, viêm mạch máu xuất huyết, được chuyển lên Bệnh viện Nhi Đồng TP. Hồ Chí Minh. Ngày 2.4, ngay khi có kết quả xét nghiệm xác định mắc vi khuẩn não mô cầu, bệnh nhi được cách ly điều trị tại Khoa Nhiễm- Bệnh viện Nhi Đồng TP. Hồ Chí Minh. Hiện tại, bệnh nhi tỉnh táo, hết sốt, nốt ban không còn, ăn uống bình thường, sức khoẻ ổn định, dự kiến xuất viện trong vài ngày tới.
Trước tình hình này, bác sĩ Vũ Gia Phương- Phó Giám đốc Sở Y tế đề nghị các cơ sở khám, chữa bệnh trong và ngoài công lập thực hiện thông tin báo cáo khi có ca nghi ngờ theo Thông tư 54/2015/BYT của Bộ Y tế về Hướng dẫn chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm.
Bên cạnh đó, các cơ sở khám, chữa bệnh nhanh chóng triển khai các biện pháp phòng chống dịch; kiểm tra, giám sát, không để dịch bùng phát trong cộng đồng; truyền thông nâng cao ý thức người dân về bệnh do não mô cầu, đặc biệt tại những nơi có bệnh do não mô cầu; chủ động tiêm vaccine phòng bệnh.
Khi phát hiện dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, người dân cần đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.
Theo Báo Tây Ninh Online
Tác giả: qu?n tr?
Ý kiến bạn đọc