Tham dự tại điểm cầu Tây Ninh có đồng chí Hoàng Thị Thanh Thúy – Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, đồng chí Nguyễn Thị Thanh Sơn – Phó trưởng Ban Văn hóa Xã hội, Hội đồng nhân dân tỉnh và đồng chí Trương Văn Hùng – Giám đốc Sở Y tế tỉnh. Đồng chí Dương Văn Thắng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu Tây Ninh. Cùng dự còn có đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Theo đánh giá của Bộ Y tế, năm 2023, diễn biến phức tạp của tình hình thế giới đã ảnh hướng lớn đến công tác y tế tại Việt Nam. Đứt gãy chuỗi cung ứng thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế trên thị trường thế giới gây ra tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế tại nhiều cơ sở khám, chữa bệnh. Mô hình bệnh tật thay đổi: bệnh không lây nhiễm và tai nạn thương tích tăng, bệnh dịch mới xuất hiện. Yêu cầu của người dân đối với công tác chăm sóc sức khỏe ngày càng cao.
Ngành y tế thực hiện vượt 3/3 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu được Quốc hội giao năm 2023 (đạt 12,5 bác sĩ trên 10.000 dân; 32 giường bệnh trên 10.000 dân; 93,2% dân số tham gia BHYT), thực hiện đạt và vượt 7/9 chỉ tiêu cụ thể ngành, lĩnh vực được Chính phủ giao.
Đại dịch COVID-19 được kiểm soát, điều chỉnh từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang nhóm B từ 20/10/2023. Các dịch bệnh truyền nhiễm khác được kiểm soát tốt, không để xảy ra dịch chồng dịch; đẩy mạnh phòng chống bệnh không lây nhiễm. Y tế cơ sở được chú trọng, đầu tư từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 99/2023/QH15 với các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm về y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Hoạt động khám bệnh, chữa bệnh thông thường đã được phục hồi so với giai đoạn trước đại dịch COVID-19. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh. Triển khai đánh giá chất lượng bệnh viện theo 83 tiêu chí đã tạo phong trào thi đua trong hệ thống khánh bệnh, chữa bệnh; đẩy mạnh triển khai đề án bệnh viện vệ tinh, đề án bác sĩ gia đình, khám chữa bệnh từ xa, chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật; tỷ lệ hài lòng của người dân với dịch vụ y tế trên 90%.
Đẩy mạnh quản lý sức khỏe toàn dân; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, bà mẹ, trẻ em, người lao động; tiếp tục mở rộng đối tượng tham gia BHYT. Thực hiện có hiệu quả Chương trình phát triển y dược cổ truyền. Công tác dân số, an toàn thực phẩm, quản lý môi trường y tế, đào tạo phát triển nhân lực y tế, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số y tế... tiếp tục được chú trọng. Bộ Y tế đứng đầu của Bộ về số lượng thủ tục hành chính cắt giảm.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đánh giá cao và ghi nhận những thành tựu mà ngành y tế nước nhà đã đạt được trong năm qua, đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội chung của quốc gia, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của ngành y. Đặc biệt ở một số lĩnh vực như: y tế Việt Nam luôn có những biện pháp hữu hiệu trong đảm bảo tính mạng, chăm sóc sức khỏe nhân dân; chủ động sản xuất được 9/11 loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng; tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ em dưới 1 tuổi giảm nhanh nhất thế giới; phòng chống thành công được nhiều dịch bệnh nguy hiểm, thanh toán dứt điểm dịch bệnh đậu mùa, dịch hạch, được quốc tế đánh giá là “hình mẫu” trong công tác phòng chống dịch; Chủ động triển khai và làm chủ được nhiều kỹ thuật y khoa tiên tiến, hiện đại, nâng cao tay nghề và ứng dụng công nghệ nhanh, đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành y tế.
Tuy nhiên, đối mặt với những ảnh hưởng của tình hình thế giới, thiên tai, khí hậu, hậu quả kéo dài của dịch bệnh, quy mô dân số ngày càng tăng, khoảng cách giữa các hệ thống y tế cơ sở, vùng địa lý và áp lực từ nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của người dân, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu toàn ngành y tế cần thẳng thắn, nhìn nhận những hạn chế trong năm 2023 để đưa ra bài học kinh nghiệm, giải pháp khắc phục.
Năm 2024 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, do đó, toàn ngành phải tăng tốc, bứt phá hơn, tiếp tục bám sát các Kết luận, Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, cụ thể hóa để triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể với phương châm: “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững,” với tinh thần “Năm quyết tâm.”. Tiếp tục kiện toàn, sắp xếp cơ cấu tổ chức Bộ Y tế, các đơn vị trực thuộc Bộ theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực y tế, đổi mới cơ chế tài chính y tế theo lộ trình “tính đúng, tính đủ” giá dịch vụ khám chữa bệnh. Hoàn thành cơ chế mua sắm trang thiết bị y tế, dự trữ thuốc; giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, đảm bảo nguồn vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Nâng cao năng lực dự báo, giám sát và phát hiện sớm, kiểm soát hiệu quả các loại dịch bệnh. Đầu tư,nâng cao năng lực cung ứng dịch vụ y tế ở các tuyến, cơ sở, đẩy mạnh phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh; nâng cao năng lực điều trị các bệnh không lây nhiễm, tai nạn thương tích; đảm bảo an toàn thực phẩm. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp dược, trang thiết bị y tế; đặc biệt là dược liệu cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại. Thực hiện các chiến lược, chính sách về dân số và phát triển, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi,... Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, truyền thông để toàn xã hội đồng thuận, tham gia công tác bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Cũng tại Hội nghị, thay mặt Chính phủ, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cũng tặng Cờ thi đua cho 3 đơn vị trực thuộc Bộ Y tế gồm Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội vì đã có thành tích xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ, dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước.
Kim Nguyên
Tác giả: qu?n tr?
Ý kiến bạn đọc