Một số nguyên nhân thiếu vitamin A ở trẻ em như:
Thứ nhất là do chế độ ăn, uống: Khi cơ thể của trẻ em không tự tổng hợp vitamin A được mà phải lấy loại vi chất này từ thức ăn, do vậy nguyên nhân chính gây thiếu vitamin A là chế độ ăn, uống nghèo vitamin A và Caroten là chất khi vào cơ thể sẽ được chuyển hóa thành vitamin A. Đối với trẻ đang bú mẹ thì nguồn vitamin A hoàn toàn phụ thuộc vào sữa mẹ, trong thời kỳ này nếu chế độ ăn của người mẹ thiếu vitamin A sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thiếu vitamin A ở trẻ.
Thứ hai là do trẻ bị mắc một số bệnh nhiễm trùng: Viêm đường hô hấp, tiêu chảy, nhiễm giun đũa, sởi… lúc này cơ thể sẽ có nhu cầu về vitamin A để tái tạo lại các biểu mô, tạo kháng thể để chống đỡ với bệnh tăng lên rất nhiều. Khi trẻ bị các bệnh này (cấp tính hoặc kéo dài) thì trong cơ thể trẻ thiếu vitamin A một cách nghiêm trọng và cần phải bổ sung ngay.
Cơ thể trẻ không hấp thu được nhiều vitamin A: Khi trẻ em mắc một số bệnh về đường tiêu hoá, nhất là tiêu chảy kéo dài thì khả năng hấp thu các chất dinh dưỡng từ thức ăn… trong đó có vitamin A của lòng ruột giảm rất nhiều, trong thức ăn có rất nhiều vitamin A nhưng lại thiếu chất đạm để chuyển hóa thành vitamin A nên làm giảm khả năng hấp thu vitamin A trong cơ thể trẻ.
Trẻ em dưới 3 tuổi dễ bị thiếu vitamin A vì giai đoạn này trẻ đang lớn nhanh cần rất nhiều vitamin A, sự thay đổi sang giai đoạn ăn bổ sung, bỏ bú và dễ mắc các bệnh nhiễm trùng nên có nguy cơ thiếu vitamin A. Trẻ không được bú mẹ hoặc không bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu thì nguy cơ thiếu vitamin A càng cao. Bà mẹ đang cho con bú nhất là năm đầu, nếu ăn uống thiếu vitamin A thì trong sữa không đủ vitamin A cung cấp cho trẻ. Trẻ dưới 5 tuổi bị mắc các bệnh sởi, viêm đường hô hấp cấp, tiêu chảy kéo dài và suy dinh dưỡng nặng có nguy cơ thiếu vitamin A.
Để đề phòng thiếu vitamin A ở trẻ em:
Bảo đảm ăn uống đầy đủ: Trong thời kỳ mang thai và cho con bú mẹ cần ăn, uống đủ chất, nhất là ăn những thức ăn giàu vitamin A, caroten, đạm, dầu, mỡ. Cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, bú kéo dài đến 24 tháng, ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng và bổ sung thức ăn giàu vitamin A như: gan, thịt, cá, trứng, sữa, dầu cá, cà rốt, gấc, bí đỏ, khoai lang, rau ngót, rau muống, rau dền, rau diếp, xà lách, hồng, đu đủ, xoài…
Bổ sung vitamin A dự phòng: Theo chương trình phòng chống thiếu vitamin A phân phối viên nang vitamin A liều cao trên toàn quốc cho trẻ em từ 6 tháng đến 36 tháng tuổi uống vitamin A mỗi năm 2 lần vào tháng 6 và tháng 12 tại trạm y tế xã. Khi trẻ bị mắc các bệnh như: viêm phổi, viêm phế quản, ỉa chảy, đưa trẻ đến ngay trạm y tế để được uống vitamin A bổ sung. Vitamin A bổ sung có tác dụng 3-4 tháng nên vẫn phải cho trẻ ăn những thức ăn giàu vitamin A để phòng bệnh do thiếu vitamin A gây nên.
Trẻ em không được bú mẹ đầy đủ hoặc không bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu thì cần phải được uống viên vitamin A hoặc viên đa vi chất theo hướng dẫn của bác sĩ. Phụ nữ sau sinh trong vòng một tháng cần được bổ sung vitamin 1 liều vitamin A. Tiêm chủng phòng bệnh cho trẻ đầy đủ và đúng lịch. Đặc biệt, tiêm bổ sung phòng bệnh sởi cho trẻ.
Thiếu vitamin A gây khô mắt, dẫn đến mù lòa, làm tăng nguy cơ bệnh tật, tử vong, trẻ còi cọc, chậm tăng cân và chiều cao, ảnh hưởng tới phát triển trí tuệ của trẻ khi đến tuổi đi học. Vì thế chúng ta cần bổ sung vitamin A cho trẻ để đảm bảo sức khỏe cho trẻ được lớn lên khỏe mạnh.
Tuyết Anh
Tác giả: qu?n tr?
Ý kiến bạn đọc