Chuyển đổi số ngành Y tế: Tạo tiện ích cho người dân

Thứ sáu - 15/03/2024 08:03 286 0
Để người dân đến khám, chữa bệnh, cũng như người bệnh tiếp cận các dịch vụ y tế được nhanh chóng, thuận lợi, những năm gần đây, ngành Y tế tỉnh Tây Ninh đã đẩy mạnh công tác chuyển đổi số từ tuyến tỉnh tới cơ sở.
Người dân sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt qua mã QR tại Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh.
Người dân sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt qua mã QR tại Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh.

Tiện lợi, nhanh chóng

Trung bình một ngày, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh đón tiếp từ 1.000 - 1.200 lượt bệnh nhân. Đây là một trong những cơ sở y tế công lập triển khai khám, chữa bệnh bằng căn cước công dân (CCCD) gắn chip. Theo bác sĩ Phan Thanh Tâm- Giám đốc BVĐK tỉnh, bệnh viện có 890 giường thực kê. Để tăng tiện ích cho người dân sử dụng thẻ CCCD gắn chip điện tử, bệnh viện đã bố trí nhân lực, nâng cấp hệ thống phần mềm, thiết bị đọc mã vạch tại khu vực đón người bệnh bảo hiểm y tế (BHYT), từng bước đồng bộ hệ thống máy móc, thực hiện tốt hơn công tác phục vụ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân.

“Hầu hết người dân đã định danh mức độ 2, nên khi khám, chữa bệnh BHYT bằng thẻ CCCD gắn chip, thay thế thẻ BHYT và liên thông dữ liệu sẽ rất tiện lợi cho bệnh nhân và cả bệnh viện”- bác sĩ Tâm nói.

Nhờ sự quan tâm đầu tư của tỉnh, BVĐK đã có nhiều chuyển biến tích cực từ cơ sở vật chất đến trang thiết bị hiện đại; đội ngũ bác sĩ ngày càng được trau dồi chuyên môn, nâng cao tay nghề. Giám đốc BVĐK tỉnh chia sẻ: “Bên cạnh việc đăng ký khám, chữa bệnh bằng CCCD gắn chip, từ tháng 8.2023 bệnh viện đã triển khai phương thức thanh toán không dùng tiền mặt qua mã QR hiển thị trên phiếu thu cần thanh toán. Tiện ích này nhằm hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ tại bệnh viện, đơn giản các thủ tục hành chính, giúp người dân thực hiện giao dịch nhanh chóng, tiện lợi, tiết kiệm thời gian khi thanh toán viện phí và các dịch vụ y tế đối với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân”.

Ông cho biết thêm, từ năm 2022, bệnh viện không ngừng nỗ lực, ứng dụng kỹ thuật mới trong điều trị, phối hợp các chuyên gia hàng đầu của Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhân dân 115 TP. Hồ Chí Minh tiến hành nhiều ca phẫu thuật chuyên sâu, triển khai đơn nguyên đột quỵ, chuyển giao kỹ thuật lọc máu liên tục tại bệnh viện, cứu sống nhiều bệnh nhân trong và ngoài tỉnh. Năm 2024, bệnh viện sẽ tiếp tục triển khai các dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu, người có BHYT sẽ được thụ hưởng phần chênh lệch so với giá dịch vụ.

Nhiều người dân bày tỏ sự hài lòng, tin tưởng vào những tiện ích dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt tại bệnh viện. “Có mã QR để thanh toán viện phí rất tiện lợi. Trước đây, mỗi khi ra quầy thu viện phí, chúng tôi phải chờ đợi mất nhiều thời gian. Giờ, chỉ cần ra quầy thanh toán quét mã QR trên phiếu, thủ tục nhanh gọn, tiện lợi, chúng tôi rất hài lòng”- chị Thu Thuỷ (ngụ Phường 2, TP. Tây Ninh) đánh giá.

 

Người dân đến khám, chữa bệnh tại Trung tâm Y tế thị xã Hoà Thành.

Còn nhiều người giữ thói quen dùng tiền mặt

Mặc dù tiện ích thanh toán không dùng tiền mặt đã và đang được triển khai rộng tại các bệnh viện, cơ sở y tế công lập và ngoài công lập trên địa bàn. Tuy nhiên, hình thức thanh toán này chỉ phổ biến đối với nhóm người trẻ khá thành thạo công nghệ, sử dụng smartphone, còn lại vẫn giữ thói quen sử dụng tiền mặt khi chi trả các khoản viện phí, dịch vụ y tế tại bệnh viện.

Điển hình, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, số người chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt chỉ đếm ở hàng chục, mặc dù bệnh viện trang bị mã QR trên giấy báo viện phí và ngay trước quầy thanh toán. Bà Hạnh (63 tuổi, xã Trường Đông) bày tỏ: “Tôi quen xài tiền mặt, mà cũng không thể dùng điện thoại thông minh như lớp trẻ. Đi khám bệnh đã có BHYT, viện phí cũng không nhiều nên đóng tiền mặt cho nhanh gọn”.

Tại Trung tâm Y tế (TTYT) thị xã Hoà Thành, trung bình mỗi ngày có gần 300 lượt bệnh nhân đến khám, chữa bệnh. Dù đã sử dụng CCCD gắn chip để đăng ký nhưng khi chi trả viện phí và thuốc, phần lớn người dân đều có thói quen sử dụng tiền mặt. Bác sĩ Hồ Triết Việt Hùng Nam- Phó giám đốc TTYT thị xã Hoà Thành cho biết tính đến nay, hầu hết cán bộ, y, bác sĩ trung tâm đã được đăng ký và sử dụng chữ ký số.

Hơn 20.570 đơn thuốc điện tử được liên thông lên hệ thống đơn thuốc quốc gia; 569 giấy khám sức khoẻ lái xe, 39 giấy chứng sinh tại cơ sở được liên thông trên Cổng dịch vụ công quốc gia. “Trên nền tảng ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo Đề án 06, trung tâm đã triển khai khám, chữa bệnh BHYT bằng thẻ CCCD gắn chip thay thế thẻ BHYT và liên thông dữ liệu đơn thuốc, giấy khám sức khoẻ, giấy chứng sinh”.

 

Người dân sử dụng CCCD gắn chip thay thế thẻ BHYT khi đăng ký khám, chữa bệnh.

Bác sĩ Nam cho biết thêm, việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt tại trung tâm chưa rộng rãi do thói quen dùng tiền mặt của người dân; một số người dân vùng nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số không có tài khoản ngân hàng, không sử dụng điện thoại thông minh có kết nối mạng di động. Mặt khác, cơ sở vật chất trung tâm đã cũ, xuống cấp (được nâng cấp từ năm 2016), nhân lực y tế không đủ để đáp ứng nhu cầu khi vừa tiếp nhận, khám chữa bệnh, vừa hướng dẫn người dân sử dụng các tiện ích trên điện thoại thông minh, đơn vị chưa được phủ sóng internet rộng rãi.

“Do đây là phương thức thanh toán mới nên nhiều người vẫn chưa quen. Thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp tục tuyên truyền qua các tờ rơi, tư vấn, hướng dẫn trực tiếp để người dân hiểu hơn về tiện ích khi thanh toán không dùng tiền mặt”- bác sĩ Nam nói.

Lộ trình dài

Ông Trương Văn Hùng- Giám đốc Sở Y tế cho biết từ đầu năm 2024, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 329/QĐ-UBND ngày 19.2.2024 công bố mới 23 thủ tục hành chính và bãi bỏ 43 thủ tục lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền giải quyết của ngành Y tế. Hiện ngành Y tế có 113 thủ tục hành chính, trong đó có 112 thủ tục cấp tỉnh, 1 thủ tục cấp huyện, không có thủ tục cấp xã. Toàn bộ quy trình giải quyết thủ tục hành chính đều được công khai trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Đây được xem là lộ trình cần thiết để hệ thống chính quyền hỗ trợ tốt hơn cho người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính. Ngành Y tế tỉnh đang tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng, nâng cấp các phần mềm, tiện ích, hoàn thiện các tiêu chí bệnh viện không giấy tờ, với mục tiêu cao nhất là đem lại tiện ích phục vụ người dân.

Đến nay, 26 cơ sở y tế công lập, ngoài công lập trên địa bàn tỉnh và 93 trạm y tế xã, phường, thị trấn đã thực hiện ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT với Bảo hiểm xã hội tỉnh. Ông Hùng cho biết thêm, chuyển đổi số được ngành Y tế coi là nhiệm vụ then chốt, giải pháp hữu hiệu nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ nhân dân, giúp các bệnh viện thực hiện thành công mục tiêu xây dựng cơ sở y tế thông minh - văn minh - thân thiện.

 

Trung bình mỗi ngày, Trung tâm Y tế thị xã Hoà Thành tiếp nhận gần 300 lượt bệnh nhân đến khám, chữa bệnh.

Ngành Y tế Tây Ninh đã và đang triển khai mềm quản lý bệnh viện (HIS) tại tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh. Bên cạnh tiện ích sử dụng CCCD thay cho thẻ BHYT, phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, các phần mềm quản lý tiêm chủng, quản lý dân số, an toàn thực phẩm, quản lý kho thuốc… đang được áp dụng hiệu quả tại các cơ sở y tế. Sắp tới, ngành sẽ triển khai các phần mềm quản lý kế toán, tài sản online và đặc biệt là thực hiện dự án bệnh án điện tử thay thế cho bệnh án giấy. Tuy nhiên, để tiến tới cần có lộ trình dài, vì vẫn còn nhiều bệnh viện, cơ sở y tế gặp vướng mắc, trong đó nhân lực và tài chính là nguyên nhân chính dẫn đến khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.

Nhận định khó khăn, bác sĩ Phan Thanh Tâm- Giám đốc BVĐK tỉnh cho rằng cơ chế tài chính là yếu tố cấu thành để thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, khó khăn nữa là sự thiếu hụt nhân sự chuyên về công nghệ thông tin. “Chúng tôi rất muốn triển khai bệnh án điện tử, rút gọn thủ tục hành chính, giảm bộ phận trực tiếp, tạo thuận tiện cho bệnh nhân, giúp bệnh viện số hoá các bệnh án, hồ sơ, thông tin người bệnh... Các bệnh viện lớn tại TP.Hồ Chí Minh đang triển khai bệnh án điện tử rất hiệu quả. Tuy nhiên, để làm được phải đi với dữ liệu chung và phải đầu tư nguồn kinh phí lớn”- bác sĩ Tâm chia sẻ.

Đối với phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, bác sĩ Tâm cho biết thêm: “Chúng tôi đã có hướng đặt POS thanh toán di động để tăng tiện ích. Tuy nhiên, tất cả đều phải trả phí. Nếu bệnh viện chi trả thì với nguồn thu “không đủ bù chi”, khó có thể đáp ứng; nếu để người dân chi trả càng khó khăn hơn”.

Tâm Giang (Báo TâyNinh Online)

Tác giả: qu?n tr?

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập17
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm14
  • Hôm nay3,291
  • Tháng hiện tại60,549
  • Tổng lượt truy cập3,241,533
website các sở ban ngành
cơ sở đủ điều kiện khám sức khỏe
hướng dẫn thực hiện gpp
tai lieu xuc tien dau tu
cong khai minh bach
gop y du thao
tiếp nhận kiến nghị người dân
trả lời kiến nghị doanh nghiệp
Hộp thư điện tử
công báo
cải cách thủ tục hành chính
Hỏi đáp
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây